Xuất cảng lao động ở Việt Nam giảm mạnh

Xuất cảng lao động (ảnh: Kinh tế và Pháp luật)
Tin Vietnam.- Báo Người lao động ngày 2 tháng 7 năm 2020 loan tin, theo dữ diệu của cơ quan Cai quản lao động ngoài nước thì trong 6 tháng đầu năm 2020, nhà cầm quyền chỉ đưa được 33,500 lao động ra ngoại quốc làm thuê, giảm gần 40% so với cùng thời kỳ.
Cũng trong 6 tháng qua, đã có hơn 5,000 lao động bị ảnh hưởng do dịch coronavirus 19 mà phải về nước, đó là chưa kể đến những người vẫn bị mắc kẹt tại nước sở tại. Trước tình trạng này, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó trưởng cơ quan Cai quản lao động ngoài nước vẫn khẳng định rằng, nhiều quốc gia như Đài Loan, Nam Hàn vẫn muốn tiếp tục nhận lao động Việt Nam. Ngoài ra, còn có quốc gia khác như Nhật Bản vẫn có nhu cầu nhận thêm lao động ngoại quốc vào làm việc.
Được biết, nhiều năm qua, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã xem sức lao động của người dân như một loại hàng hoá để khai thác, xuất cảng đi các nước trên thế giới nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp trong nước, đồng thời thu về một lượng ngoại tệ lớn. Nếu một người lao động đi lao động ở các quốc gia như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và các thị trường như châu Âu thì số lương mà người lao động tiết kiệm được hàng tháng có thể nuôi được cả gia đình đang sống ở Việt Nam.
Chính vì vậy, việc người dân đi bán sức lao động, làm thuê ở ngoại quốc rất có ý nghĩa với nhà cầm quyền Cộng sản. Nên những năm qua, việc đi xuất cảng lao động luôn được nhà cầm quyền xem là chiến lược phát triển kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ với mỗi năm có trên 100,000 người đi xuất cảng lao động.
An Nhiên