Trúc Hồ Music Phát Hành DVD Tình Ca Sau 1975: Duy Trì & Tiếp Nối Dòng Nhạc Việt Hải Ngoại

Đối với nhiều người Việt tị nạn ở Mỹ, thời gian họ sinh sống tại Hoa Kỳ đã dài hơn những năm tháng ở VIệt Nam. Trên quê hương mới, họ vẫn sống, làm việc, vẫn nghe và hát tình ca. Cho dù những bản tình ca của những năm tháng trước 1975 vẫn chưa thể xóa nhà trong tâm trí, nhưng những sáng tác mới tại hải ngoại đã tạo những dấu ấn sâu sắc trong tim hàng triệu người Việt sống bên ngoài Việt Nam. Trong một nỗ lực tiếp tục nuôi dưỡng dài lâu dòng nhạc tình tại hải ngoại, vào ngày 30/05/2022, Trúc Hồ Music & Đài Truyền Hình SBTN đã chính thức phát hành DVD, Blu-ray, digital copy “Tình Ca Sau 1975” đến với giới khán giả yêu thích ca khúc Việt Nam.
Trong phần mở đầu chương trình, MC Nam Lộc đã nói rằng đã gần nửa thế kỷ qua, dòng nhạc hải ngoại đã tồn tại như một dấu ấn văn hóa của người VIệt tị nạn. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, những sinh hoạt ca nhạc tại hải ngoại có dấu hiệu chựng lại, khiến cho những sáng tác mới, những giọng ca mới ít có sân khấu để giới thiệu đến với khán giả. Chương trình ca nhạc Tình Ca Sau 1975 được thực hiện để góp phần khôi phục lại những hoạt động của sân khấu ca nhạc hải ngoại. Còn người nghe, còn người hát tình ca Việt Nam, thì tiếng Việt còn, và văn hóa Việt Nam ở hải ngoại còn.
Nhạc sĩ lão thành Lê Văn Khoa- người được vinh danh trong chương trình- đã nói rằng có 3 yếu tố không thể thiếu trong sự sống của một ca khúc. Một tình ca được ra đời do có nhạc sĩ sáng tác. Rồi nó chỉ có sự sống thực sự khi có người hát, người chơi nhạc. Và sau cùng, những ca khúc đó cần có người thưởng thức, để người nhạc sĩ có thể chia sẻ tâm tình gởi qua ca khúc đến với khán giả.
Từ một ca khúc đến một dòng nhạc cũng tương tự. Trong chương nhạc Tình Ca sau 1975, khán giả có thể nhận ra một sân khấu ca nhạc hải ngoại phong phú, đa dạng, có đủ các yếu tố để tồn tại và phát triển. Khán giả thấy sự tiếp nối nhiều thế hệ ca nhạc sĩ của người Việt hải ngoại. Chương trình đã giới thiệu những tình khúc viết sau biến cố Tháng Tư Đen 1975 của những cây đại thụ của nền âm nhạc Miền Nam như Anh Bằng, Lam Phương; những tên tuổi lớn đã thành danh trước 1975 như Ngô Thụy Miên, Trầm Tử Thiêng, Đức Huy, Nam Lộc…; rồi đến tình khúc của các nhạc sĩ thuộc thế hệ tiếp nối tại hải ngoại: Sĩ Đan, Trúc Hồ, Trúc Sinh…; rồi đến những gương mặt trẻ trung mới nổi tiếng sau này: Bee Uyên Phương, Mai Thanh Sơn… Ca sĩ cũng thuộc nhiều thế hệ, từ Tuấn Vũ đến Diễm Liên, Thế Sơn, Sĩ Đan, Mai Thanh Sơn, Đoàn Phi, Nguyên Khang, và trẻ hơn nữa là Angel Gia Hân, Tú Anh… Trong dàn nhạc, bên cạnh những gương mặt nhạc sĩ quen thuộc từ lâu của sân khấu ca nhạc hải ngoại, khán giả nhận ra một gương mặt trẻ thổi saxophone xuất thần. Đó là Emily Vũ, là con gái của nhạc sĩ Vũ Anh Tuấn từng chơi cho Asia từ nhiều năm trước. Còn với người dẫn chương trình, bên cạnh Nam Lộc- thuộc thế hệ MC đầu tiên của sân khấu hải ngoại- vẫn là nữ MC duyên dáng Thùy Dương, cùng những gương mặt trẻ trung thuộc thế hệ tiếp nối như Jimmy Thái Nhựt, Bảo Ngọc, Diễm Quyên. Những người đứng trên sân khấu thuộc nhiều thế hệ như vậy sẽ bảo đảm cho sự thu hút khán giả thuộc mọi lứa tuổi đến với những chương trình ca nhạc hải ngoại từ hiện tại đến tương lai.
Các tình khúc trong chương trình được sáng tác trong suốt bốn thập niên sau 1975, từ những năm tháng mới bắt đầu cuộc sống ly hương cho đến tận thời điểm hiện tại. Ca khúc Hello Lost Eyes của nhạc sĩ Trúc Hồ chỉ mới sáng tác cách đây chưa đến ba tháng, là sự chia sẻ, cảm thông với nỗi sợ hãi, mất mát của những đứa trẻ Ukraine khi phải đối diện với cuộc chiến tranh xâm lược do Nga phát động. Lời bài hát có sự đóng góp của các bạn trẻ Lala Trương, Lý Bạch (con của nhạc sĩ Trúc Hồ) và nữ luật sư Thục Minh, người đã làm việc cùng cố Thượng Nghị Sĩ John McCain và nhạc sĩ Trúc Hồ để can thiệp cho nhạc sĩ Việt Khang được tị nạn chính trị tại Mỹ. Bài hát đã làm rung động trái tim không những của hàng triệu người Việt hải ngoại, mà còn chính của người dân Ukraine. Bởi vì cả hai dân tộc đều có chung số phận, là nạn nhân của các cuộc xâm lăng từ các thế lực độc tài, phi nhân. Nhìn những giọt nước mắt của các em bé Ukraine, tác giả bài hát như thấy lại những giọt nước mắt của trẻ em Việt Nam trong cuộc chiến tranh tại quê hương gần nửa thế kỷ trước.
Trong phần phát biểu của mình, nhạc sĩ Trúc Hồ đã cảm ơn bạn bè, các mạnh thường quân, ca nhạc sĩ đã chung vai góp sức dàn dựng chương trình nhạc Tình Ca Sau 1975. Những ca khúc chính là trái tim và tâm hồn của cộng đồng người Việt hải ngoại. Duy trì dòng nhạc hải ngoại, cộng đồng người Việt sống được trọn vẹn cả với quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhạc sĩ Trúc Hồ cho biết mình có duyên nợ với nền âm nhạc ca khúc Việt Nam, cho nên cả cuộc đời nguyện ước gắn bó với di sản văn hóa này trong vai trò thế hệ tiếp nối. Anh tin rằng thế hệ trẻ góp mặt trong chương trình sẽ là những người kế tục nền văn hóa nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa tại hải ngoại. Anh xúc động khi nói rằng còn tình khúc, tình người sẽ mãi mãi còn ở với người cho một thế giới bình an. Tình yêu sẽ tồn tại mãi mãi trên cõi đời…
Chương trình bắt đầu bằng phần hợp ca “Từ Tiếng Hát Tiếp Nối” của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, và kết thúc cũng bằng hợp ca “Tình Yêu, Tình Người” của nhạc sĩ Trúc Hồ. Hai ca khúc này nói đến một thứ tình yêu vĩnh cữu, cao quí nhất: tình nhân loại. “Tình Ca Sau 1975” không chỉ là một chương trình ca nhạc tình yêu bình thường, nghe không chỉ để giải trí đơn thuần. Người xem nhận ra một chữ “Tâm” của những người đã bỏ công dàn dựng, thực hiện chương trình. Một chữ “Tâm” đầy tình yêu dân tộc, hướng về cội nguồn, khát khao dùng lời ca tiếng hát để góp phần xây dựng một thế giới nhân bản hơn…
Để đặt mua DVD & Blu-ray, xin gởi chi phiếu về SBTN
P.O Box 127 Garden Grov CA 92842
Chi phiếu SBTN- Memo: Tình Ca sau 1975
Tel: 714 636 1121 – 888 500 2018
Đoàn Hưng