Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới: Việt Nam hoàn toàn không có tự do báo chí

Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới: Việt Nam hoàn toàn không có tự do báo chí

Ảnh: RSF

Tự do truyền thông tại Việt Nam hiện đang bị đe nhiều hơn bao giờ hết. Đó là nhận định của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) trong bản báo cáo Chỉ Số Tự Do Báo Chí Thế Giới thường niên công bố hôm Thứ Tư 26/04.

Chỉ số toàn cầu mới nhất cho thấy một thực trạng đen tối, với gần hai phần ba danh sách gồm 180 nước có chỉ số tự do báo chí thấp hơn. Việt Nam vẫn đứng thứ 175 trên 180, tức gần đội sổ, không thay đổi so với năm ngoái. Tình hình ở Việt Nam được cho là có cải tiến chút ít qua điểm số là 73.96, tăng 0.31 so với năm ngoái.

Trên bản đồ Chỉ Số Tự Do Báo Chí của Phóng Viên Không Biên Giới, Việt Nam là một trong những nước màu đen, tức là hoàn toàn không có tự do báo chí.

Đài Á Châu Tự Do hôm Thứ Năm 27/04 dẫn lời ông Benjamin Ismail, trưởng văn phòng Á Châu – Thái Bình Dương của Phóng Viên Không Biên Giới cho biết: “Điểm số của Việt Nam năm nay có thể tốt hơn một chút so với năm 2015, là năm mà nhiều nhà báo và blogger bị tấn công bởi công an thường phục và đồng phục. Nhưng nhìn chung thì tình hình không thay đổi. Đảng cộng sản vẫn tiếp tục đối xử tàn tệ đối với các blogger và những người lên tiếng về nhân quyền…”

Phóng Viên Không Biên Giới cũng nhận thấy rằng, hoạt động đưa tin của các blogger và người dân trên truyền thông xã hội về thảm họa môi trường do Formosa gây ra, đã bị nhà cầm quyền cộng sản đàn áp thẳng tay.

Phần riêng nói về Việt Nam, Bản phúc trình nhận định: “Khi mà tất cả báo chí phải nhận lệnh từ đảng cộng sản, thì nguồn thông tin độc lập duy nhất đến từ các blogger và các nhà báo công dân – những người thường bị nhiều hình thức bức hại khốc liệt gồm cả bạo lực từ công an mặc thường phục.”

Phóng Viên Không Biên Giới cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam đã cố bịt miệng những kí giả với những cáo buộc mù mờ vô căn cứ qua các điều 79, điều 88, điều 258 – Bộ luật hình sự Việt Nam.

Báo cáo cũng nhắc đến việc khởi tố, bắt tạm giam và xét xử Anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Thuý, Nguyễn Văn Hoá, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga…

Bản báo cáo kết luận Việt Nam là “nhà tù lớn thứ hai thế giới đối với các nhà báo công dân”.

Quốc Hiếu / SBTN