Phim The Vietnam War: giới truyền thông phản chiến Mỹ tiếp tục phủ nhận và bôi nhọ chính thể Việt Nam Cộng Hòa

Ảnh: pbs.org
Từ ngày 17/09/2017, đài truyền hình PBS đã trình chiếu bộ phim tài liệu truyền hình dài 10 tập, The Vietnam War, của hai đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick. Bộ phim được quảng cáo là thực hiện trong 10 năm, tốn khoảng 30 triệu USD, có nhiều chi tiết chưa từng được tiết lộ từ chính phủ Hoa Kỳ. Bộ phim cũng được chờ đợi là sẽ có cái nhìn đa chiều, toàn diện hơn về cuộc chiến Việt Nam.
Thế nhưng, chỉ cần xem đến phân nửa của bộ phim The Vietnam War, những người có đôi chút hiểu biết về cuộc chiến Việt Nam đều có thể nhận thấy rằng: giới truyền thông phản chiến của Mỹ vẫn không thay đổi cái nhìn của họ từ trước đến nay về cuộc chiến Việt Nam. Đối với họ, chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến giữa người Mỹ và đối phương là quân cộng sản Việt Nam, bao gồm cả quân Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đội quân chủ lực để bảo vệ Miền Nam trong suốt hơn 20 năm, lực lượng đã hy sinh 275,000 chiến sĩ trong suốt cuộc nội chiến Nam Bắc trên quê hương, đã không hề được công nhận bởi những nhà làm phim. Tệ hại hơn, những nhà làm phim không những chỉ “bỏ quên”, mà họ còn cố tình bôi nhọ hình ảnh của quân dân cán chính VNCH trong cuộc chiến.
Nhà văn quân đội VNCH Phan Nhật Nam đã chỉ ra rằng nhóm thực hiện cuốn phim The Vietnam War là thế hệ tiếp nối của nhóm phản chiến trong xã hội Mỹ khi cuộc chiến tranh Việt Nam đang xảy ra. Nhiều người Mỹ nhận định cuộc chiến tranh Việt Nam chính là cuộc nội chiến Hoa Kỳ lần thứ hai. Trong bộ phim đã chiếu lại những cuộc biểu tình phản chiến xảy ra dữ dội, dai dẳng, khắp nơi trên nước Mỹ. Và rốt cuộc, chính quyền Mỹ đã thua trong cuộc nội chiến này với phe phản chiến. Do đó, việc họ phải chấp nhận rút quân ra khỏi Việt Nam là điều không thể tránh khỏi.
Chuyện phản chiến là không có gì sai trong xã hội tự do ở Mỹ. Điều đáng nói là để biện minh cho hành động rút khỏi Việt Nam, trong suốt nửa thế kỷ qua, giới truyền thông phản chiến đã chỉ sử dụng một luận điệu bài xích, kỳ thị khi nói về Việt Nam Cộng Hòa, lực lượng đồng minh đã sát cánh cùng những người lính Mỹ trong cuộc chiến. Và trong The Vietnam War, bộ phim tốn kém 30 triệu USD và 10 năm, không quá khó khăn để tìm ra những bằng chứng, cho thấy rằng nhóm làm phim vẫn giữ nguyên cái nhìn thiên kiến đó.
Trong suốt đến hơn nửa cuộc phim, ngoài cựu đại sứ Bùi Diễm là một nhân vật có tiếng tăm, những người thuộc chính quyền, quân đội VNCH được mời phỏng vấn là khá ít, và không có tính đại diện cho Miền Nam. Số lượng cựu quân nhân, nhà văn, nhà báo, người dân… của phía VC được phỏng vấn đông hơn, và được phát biểu nhiều lần hơn rõ rệt. Điều tệ hại hơn nữa, mỗi lần những người đại diện phía Miền Nam được trích lời, là mỗi lần được nhóm làm phim sử dụng để bôi nhọ phía VNCH. Trung Úy Tran Ngoc Toan, quân nhân VNCH duy nhất được chọn trả lời trong nửa bộ phim, lại là một bại quân trong trận chiến Bình Giã. Ông ta được trích đoạn nói về mình phải giả chết như thế nào, để không bị lính VC giết chết. Không có người lính VNCH được phỏng vấn để nói về những trận chiến thắng của quân đội Miền Nam. Ngược lại, rất nhiều chiến binh VC được thuật về những chiến thắng, nói về chiến thuật đánh Mỹ, cảm xúc của họ trên chiến trường.
Một nhân vật khác, xuất hiện khá nhiều lần trong phim, đại diện cho Miền Nam là bà Duong Van Mai. Bà lấy chồng Mỹ, và đã từng phỏng vấn những tù binh cộng sản trong cuộc chiến. Bộ phim đã trích đoạn trả lời phỏng vấn của bà này, kể lại câu chuyện bà phỏng vấn một chiến binh cộng sản. Bà thấy chiến binh này có lý tưởng, nhận là mình đi chiến đấu để giải phóng Miền Nam, bảo vệ tổ quốc… Bà đã ngạc nhiên, và tỏ vẻ thán phục chiến binh cộng sản này! Và ngay sau đó, người dẫn truyện của bộ phim đã kết luận rằng, nếu đối thủ của Mỹ là những chiến binh cương quyết, có lý tưởng như vậy, thì có lẽ người Mỹ đã chọn sai đồng minh cho mình, những kẻ sẽ thất bại trong cuộc chiến!
Còn nữa! nhân vật Phan Quang Tue mỗi lần xuất hiện trong bộ phim đều được trích dẫn để nói lên sự thối nát, tham nhũng của chính quyền Miền Nam. Trong con mắt của những người làm phim, VNCH là một chính thể chỉ biết đảo chính, tranh giành quyền lực, tham nhũng, ăn hối lộ. Trong một đoạn phim chiếu cảnh Sài Gòn nhộn nhịp, phồn thịnh, người dẫn truyện nói rằng đó là do tiền ăn chặn từ nguồn viện trợ của chính phủ Mỹ. Sau đó là những cảnh khu nhà ổ chuột, nghèo nàn của Sài Gòn. Cảnh những người con gái miền quê Việt Nam lên Sài Gòn vào những quán bar, hay làm điếm để mưu sinh. Những ai đã từng sống ở Miền Nam, sống ở Sài Gòn sẽ vô cùng đau lòng với cách làm phim hẹp hòi như vậy. Nhiều người giật mình: họ trình bày về một Miền Nam trước 1975 như vậy, không khác gì mấy với những hình ảnh đang xảy ra tại Việt Nam ngày hôm nay!
Còn nhiều dẫn chứng tương tự như vậy trong suốt nửa bộ phim, cho thấy cái nhìn không khách quan, đầy thành kiến của nhóm làm phim đối với chính thể VNCH. Hình ảnh trong phim về Miền Nam là cuộc đảo chánh 1963, hình ảnh chính quyền đàn áp người biểu tình tại đô thị, bắt bớ nông dân tại vùng thôn quê. Một Miền Nam đầy bất ổn. Trong một đoạn phim thuộc giai đoạn 1966, sau khi thuật lại việc tướng Kỳ trấn áp một nhóm quân đội chống đối tại Đà Nẵng, người dẫn truyện nói rằng trong khi chính quyền VNCH chỉ lo đấu đá lẫn nhau, thì người Mỹ phải đi chiến đấu với VC tại chiến trường!
Bộ phim khai thác xuất sắc những đau thương, mất của người Mỹ trong cuộc chiến. Bộ phim cũng cho phép người Miền Bắc nói lên những đau thương, mất mát của phía mình. Những câu chuyện cảm động, nhân bản, hào hùng của “phe thắng trận” được kể từ nhà văn Nguyên Ngọc, nhà báo Huy Đức, nhiều cựu chiến binh CSVN. Trong khi đó, toàn bộ quân nhân cán chính VNCH là một con “số không” trong con mắt của nhóm làm phim phản chiến này. Đối với những nhà làm phim phản chiến, VNCH là một gánh nặng, là nguyên nhân thất bại của cuộc chiến tranh Việt Nam.
Không còn nghi ngờ gì nữa, đối với giới truyền thông phản chiến, cuộc chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến chỉ giữa người Mỹ và CSVN. The Vietnam War là một cuộn phim để nhóm phản chiến hòa giải với những cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam, những người đã từng bị họ xem là tội phạm chiến tranh khi trở về nước. Bộ phim cũng chứng tỏ thái độ thiện chí, cảm thông của nhóm phản chiến với cựu thù cộng sản Bắc Việt. Chỉ có Miền Nam là vẫn cố tình bị lãng quên, và cố tình bị bôi nhọ.
Điều đó cũng dễ hiểu. Để lý giải cho việc Mỹ phải rút lui có chiến lược khỏi Việt Nam, cách hay nhất để gỡ lại sĩ diện cho nhóm phản chiến, đó chính là ca ngợi sức mạnh của kẻ thù, và bôi nhọ lực lượng đồng minh của mình. VNCH là nạn nhân của chiến lược truyền thông này.
Có thể kết luận rằng, The Vietnam War chỉ là bộ phim dành cho người Mỹ xem. Nó chỉ là một góc nhìn hạn hẹp của nhóm truyền thông phản chiến Mỹ. Một bộ phim được dựng sau hơn 40 năm nhìn lại cuộc chiến, chi phí tốn kém như vậy, nhưng vẫn không thể được đánh giá là có giá trị về mặt lịch sử. Đó chỉ là quan điểm riêng của một nhóm người. Có nhiều người lính Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam, đại đa số những Người Việt Tự Do trong nước và hải ngoại, và nhiều người lính cộng sản đã tỉnh ngộ sau khi cuộc chiến kết thúc sẽ có những góc nhìn khác. Lịch sử chiến tranh Việt Nam cần có những bộ phim với cái nhìn trung thực, toàn diện hơn trong tương lai.
Đoàn Hưng / SBTN