TÀU TRUNG CỘNG RỜI VÙNG BIỂN VIỆT NAM SAU CUỘC ĐỐI THOẠI MỸ-TRUNG

Sau khi hoạt động gần một tháng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông, một tàu nghiên cứu của Trung Cộng và tàu hộ tống đã rời khỏi vùng biển này vào cuối ngày thứ Hai, 4 tháng 6, trong bối cảnh Hà Nội bày tỏ sự phản đối. Tàu Xiang Yang Hong 10 của Trung Cộng bắt đầu đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 7 tháng 5. Đội tàu này có lúc được hàng chục tàu hộ tống, thường xuyên đi qua các mỏ dầu khí do các công ty Nga điều hành. Dữ kiện cho thấy tàu Trung Cộng và đoàn tùy tùng bắt đầu hành trình quay trở lại đảo Hải Nam của Trung Cộng vào khoảng nửa đêm. Trong một cuộc phản đối công khai hiếm hoi vào ngày 25 tháng 5, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã yêu cầu tàu nghiên cứu Trung Cộng và tàu hộ tống rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của đất nước sau chuyến thăm Hà Nội của ông Dmitry Medvedev, một viên chức cao cấp Nga. Sự việc xảy ra trong bối cảnh mà Washington mô tả là “sự gây hấn ngày càng tăng” từ Bắc Kinh, sau các cuộc chạm trán gần giữa các tàu và phi cơ phản lực của Hoa Kỳ và Trung Cộng trong khu vực. Giới chức cao cấp của Hoa Kỳ và Trung Cộng đã tổ chức các cuộc đàm phán tại Bắc Kinh vào thứ Hai, 5 tháng 6, mà cả hai bên đều coi là mang tính xây dựng.