14/01/2019 | 12

Sạt lở đẩy hàng chục căn nhà rơi xuống sông Cửu Long

Sạt lở đẩy hàng chục căn nhà rơi xuống sông Cửu Long

Ảnh: USNews.com

Tin Bến Tre, Việt Nam – Rạng sáng 14 tháng Giêng, khi chỉ còn non 3 tuần lễ nữa đến tết Nguyên Đán, hàng chục căn nhà ở ven sông Cửu Long thình lình đổ sụp xuống nước. Bà Ta Thi Kim Anh cho biết, một nửa cửa hàng của bà ở ven sông biến mất chỉ vài phút đồng hồ.

Theo Reuters, đây không phải lần đầu tiên mà hàng chục tai hoạ như thế đã xảy ra trong những năm qua. Theo bà Kim Anh, căn nhà đầy đủ tiện nghi của bà nằm cách bờ sông hơn 10 mét, gồm phòng ngủ, nhà bếp, sân vườn rồi mới đến con sông. Bà Kim Anh là tiểu thương bán trứng vịt, xà bông, mì ăn liền cho dân làng ở tỉnh Bến Tre.

Theo các chuyên viên trong lĩnh vực và giới chức thẩm quyền tại địa phương, các quốc gia thượng nguồn sông Mekong xây đập thuỷ điện ngăn nước và nạn khai thác cát ở đáy sông đã làm vùng đất nằm lọt giữa hệ thống sông rạch chằng chịt gần cửa biển thuộc lãnh thổ Việt Nam của con sông dài nhất thế giới chìm xuống mặt nước với nhịp độ đo được khoảng 2 cm, tương đương 0.75 inches một năm.

Sông Mekong dài 4,350 kí lô mét tương đương 2,700 dặm bắt nguồn từ Lancang, từ bình nguyên Tây Tạng của Hoa Lục chảy dọc theo biên giới Myanmar, Lào, Thái Lan, băng qua Cambodia và cuối cùng là Việt Nam, thành hình vùng Châu thổ sông Cửu Long.

Giới chức thẩm quyền tại địa phương đã phải vất vả ngăn chận nạn xói lở làm sụp đổ nhà đe doạ nhiều khu vực dân cư Việt Nam. Vấn đề chính là việc xây đập ở Hoa Lục, Lào và Cambodia làm biến mất trầm tích màu mỡ phì nhiêu của dòng sông Cửu Long, và vì nạn khai thác cát vô độ để đưa vào các công trình xây dựng gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam.

Tin Reuters còn khẳng định rằng thảm hoạ  trên bắt đầu xuất hiện kể từ khi Trung Cộng xây đập thuỷ điện đầu tiên của họ ở khu vực thượng nguồn. Giòng sông Cửu Long chảy qua Việt Nam thường có màu sữa đặc nhưng nay trở nên trong vắt.

Người đứng đầu Uỷ ban sông Mekong của Việt Nam, Dao Trong Tu, đề nghị thực hiện chương trình tái định cư nhưng dân chúng nói họ thà ở lại nơi chôn nhao cắt rốn còn hơn. Còn theo một cư dân địa phương, Dang Thi Thanh Thuy thì họ không hiểu tại sao tổ tiên của mình sinh sống ở vùng đất này hàng thập niên, mà nay thì thế hệ mình quá sợ hãi nhất là trong giấc ngủ hàng đêm.

Song Châu