Sai lầm khi đắp đê ngăn lũ đồng bằng sông Cửu Long 20 năm trước

Đánh bắt cá ở mùa lũ (Ảnh: M. Kỳ)
Vùng tứ giác Long Xuyên rộng gần 490,000ha (cùng với Đồng Tháp Mười) được xem như là “túi chứa nước” của đồng bằng sông Cửu Long trong mùa lũ, nhưng giờ đây gần như được đê bao bọc.
Hơn 20 năm trước, khi nhà cầm quyền chủ trương các tuyến đê bao khép kín ngăn lũ đưa ra, thì đã vấp rất nhiều phản ứng từ các nhà khoa học. Bởi hệ lụy từ đê bao đối với sản xuất đặc biệt là làm giảm đi nguồn cá, mất phù sa, đồng ruộng bạc màu, dịch bệnh phát triển, nông dân phải sử dụng nhiều phân bón, ô nhiễm môi trường…
Tuy nhiên, bất chấp mọi can gián, cùng với dự án thoát lũ ra biển Tây (An Giang, Kiên Giang), cứ thế những tuyến đê bao ngăn lũ ngày càng được đắp dài ở 2 vùng trũng là Đồng Tháp Mười (phía tả ngạn thuộc các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An) và vùng tứ giác Long Xuyên (phía hữu ngạn thuộc An Giang, Kiên Giang). Toàn vùng có hệ thống đê bao khép kín tổng chiều dài khoảng 7,000km, đưa hàng triệu người dân vào ở phía trong đê.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái vùng đồng bằng sông Cửu Long cho biết, từ xa xưa hạ lưu sông Mekong được thiên nhiên ban cho 3 “túi điều hòa nước” là biển Hồ (Tonle Sap) ở Campuchia, vùng Đồng Tháp Mười và vùng tứ giác Long Xuyên. 3 túi nước này điều hòa dòng nước cho những dòng nhánh phụ.
Hàng năm khi lũ sông Mekong đổ về làm cho biển Hồ tăng diện tích chứa nước từ 300,000ha trong mùa khô lên 1.5 triệu ha. Từ biển Hồ nước chảy vào Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên làm cho 2 vùng này ngập sâu 3- 4m. Từ đây, nước nhả dần dần ra sông Tiền, sông Hậu, vào mùa khô đẩy nước mặn xâm nhập từ biển vào.
Thế nhưng, sau khi hình thành hệ thống đê bao khép kín, một khảo sát từ năm 2000- 2011 cho thấy lượng nước ở tứ giác Long Xuyên đã giảm từ 9.2 tỷ m3 xuống còn khoảng 4.5 tỷ m3 do diện tích khoảng 1,100km2 ô đê bao khép kín ngăn lại.
“Điều này cũng đồng nghĩa đồng bằng sông Cửu Long đã mất 4.7 tỷ m3 nước để đẩy mặn trong mùa khô cho vùng ven biển. 2 vùng trũng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười không còn nước tích trữ đủ để bổ sung cho sông Tiền, sông Hậu đẩy nước mặn ra xa nên xâm nhập mặn vừa qua và dự báo tới đây lại càng lấn sâu. Tệ hơn khi biến đổi khí hậu càng tác động mạnh, El Nino gây hạn hán xảy ra khắp lưu vực sông Mekong”, ông Nguyễn Hữu Thiện nói.
Ông Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), nói “đói” lũ năm nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân: biến đổi khí hậu; sự xuất hiện dày đặc đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong, mà thứ quan trọng không kém là hệ thống đê bao khép kín để sản xuất lúa vụ, 3 làm vùng dự trữ nước trong tự nhiên dẫn đến thu hẹp.
Cho đến nay, ở Việt Nam vẫn tiếp tục kiểu làm việc nặng về mệnh lệnh chính trị, duy ý chí, xem nhẹ tính khoa học, lôgic.
Vũ Minh Ngọc / SBTN