Nhạc sĩ Thanh Sơn

Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật Lê Văn Thiện, sinh ngày 1-5-1938 tại Sóc Trăng. Ông là con thứ mười trong một gia đình có 12 anh chị em. Đam mê ca hát, thơ, văn, ông học nhạc từ hồi tiểu học với thầy Võ Đức Phấn (em ruột nhạc sĩ Võ Đức Thu). Năm 1955, thầy Phấn qua đời, cậu bé Thiện lúc này đã lớn, lên Sài Gòn học nhạc với nhạc sĩ Lê Thương (tác giả của ca khúc Hòn Vọng Phu). Từ lớp học nhạc này, chàng thanh niên đã nuôi ước mơ trở thành ca sĩ. Đến năm 1959, qua sự hướng dẫn của thầy, cậu học trò ghi danh tham dự cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Đài Phát thanh Sài Gòn và đoạt giải nhất. Sau đó, nhạc sĩ Thanh Sơn được mời hát trong ban Tiếng tơ đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng, ông có dịp gặp gỡ rất nhiều nhạc sĩ đàn anh. Một lần gặp nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, Thanh Sơn được người nhạc sĩ đàn anh này tặng quyển sách “Để sáng tác một ca khúc” do chính Hoàng Thi Thơ biên soạn. Từ đó, ông càng nung nấu quyết tâm sáng tác và “con đẻ” đầu tiên của ông là Tình Học Sinh, ra đời năm 1962, tuy nhiên không được phổ biến. Đến năm sau, Thanh Sơn viết bài Nỗi Buồn Hoa Phượng, lần này với tiếng hát của ca sĩ Thanh Tuyền, ca khúc trở thành một trong những bài nổi tiếng nhất viết về mùa hè thời đó.
Tiếp theo ông đã viết những ca khúc: Ba Tháng Tạ Từ, Màu Áo Hoa Phượng, Lưu Bút Ngày Xanh, Hạ Buồn, Ve Sầu Mùa Phượng, Sau Đó Là Nhật Ký Đời Tôi, Trả Lại Thời Gian, Mùa Hoa Anh Đào… được khán giả nồng nhiệt đón nhận. Năm 1963, nhạc sĩ Thanh Sơn bỏ hẳn nghề ca sĩ để chuyên tâm sáng tác. Từ 1973, nhạc của ông bắt đầu chuyển hướng sang đề tài quê hương. Nhiều bài hát trong giai đoạn này trở nên rất nổi tiếng: Hình Bóng Quê Nhà, Hành Trình Trên Đất Phù Sa, Bạc Liêu Hoài Cổ… Ông từng thú nhận nhờ sự yêu thích giai điệu ngũ cung của đờn ca tài tử và sân khấu cải lương mà ông đã có được những chất liệu quý để viết. Ngoài ra, sự đam mê văn, thơ, hình ảnh quê nhà với lũy tre, bờ đê, dòng sông, con đò, bến nước, cũng góp phần giúp nhạc sĩ tài hoa này tạo ra những “đứa con tinh thần” mang đầy dáng dấp quê hương.
Cho đến nay, qua nhiều giai đoạn sáng tác, nhạc sĩ Thanh Sơn đã viết trên 500 bài hát với nhiều ca khúc đã trở nên rất quen thuộc trong khán giả. Nhạc của ông mang đậm nét miền Nam, chứa đựng trong đó đầy tình yêu và tâm huyết với quê hương, với kỷ niệm học đường. Gia tài ca khúc của Thanh Sơn – hơn 500 bài hát, 2/3 trong đó là những ca khúc viết về quê hương, về con người Sông Tiền Sông Hậu. Những tác phẩm của Thanh Sơn đã góp phần quan trọng cho nền âm nhạc Việt Nam.
Năm 2009, ông có bay sang Hoa Kỳ để thực hiện cuộc phỏng vấn với Thúy Nga Paris By Night. Năm 2011 ông bị tai biến mạch máu não khi đang tham gia cùng trung tâm Thúy Nga thực hiện cuốn Paris By Night 103 “Tình sử trong âm nhạc Việt Nam”.
Sau một thời gian điều trị ông qua đời vào ngày 4 tháng 4 năm 2012 tại Việt Nam vì tuổi già sức yếu. Trong ngày ông qua đời, vợ của ông là bà Lê Thị Hương, người vợ đầu ấp tay gối của nhạc sĩ Thanh Sơn trong gần 53 năm trời, nói ông ra đi nhẹ nhàng lắm. Ông ấy sinh tuổi rồng (1940), mất cũng tuổi rồng. Trong ký ức của bà, ông là một người hiền lành, từ tốn, không rượu, không thuốc lá…Ngày còn trẻ, thỉnh thoảng ông có đánh bài với bạn bè, nhưng không sa đà. Bà quen ông từ lúc ông còn ôm mộng làm một ca sĩ nổi tiếng, vào khoảng năm 1957. Đến năm 1959 thì cưới. Ông và bà có cả thảy 7 người con, vừa trai, vừa gái, đều được nuôi lớn bằng những đồng tiền thu được từ các ca khúc của ông. Bà chỉ biết làm công việc nội trợ, để ông ôm đàn, tìm từng ca từ, nốt nhạc, cho ra đời hàng loạt ca khúc bolero nổi tiếng: Nỗi Buồn Hoa Phượng, Lưu Bút Ngày Xanh, Ba Tháng Tạ Từ, Thương Về Cố Đô, Hương Tóc Mạ Non, Hành Trình Trên Đất Phù Sa…
Theo lời bà Hương, khi biết mình sắp mất, ông có dặn lại là không nên làm đám tang cho ông rườm rà, đừng kèn trống ồn ào làm gì, ảnh hưởng bà con lối xóm. Ý nguyện của ông là hoả táng xác, mang tro cốt đi bỏ ngoài sông lớn, nhưng bị anh Lê Duy Lâm, người con trai thứ 5 của ông phản ứng: “Ba là người của công chúng, phải xây mộ để anh em, bạn bè, người yêu nhạc của ba đến thăm viếng nữa. Chưa nói đến việc con cháu có chỗ đến ngày thanh minh, quây quần bên mộ ba, làm tăng thêm tình gia đình. Chứ thiêu xác ba, mang tro ra sông thả, có khó gì…” Ông đã ngậm ngùi làm thinh. Vùng vằng mãi, ông mới chịu cho con trai lên Bình Dương tìm mua đất, chuẩn bị phần mộ cho mình. Ít có người biết rằng ngoài vai trò “nâng khăn, sửa túi” cho nhạc sĩ Thanh Sơn, bà Lê Thị Hương còn là người chị thứ 2 tần tảo của nhạc sĩ Hàn Châu, người viết hàng loạt các ca khúc nổi tiếng như Cây Cầu Dừa, Mực Tím Mồng Tơi, Những Đóm Mắt Hoả Châu…
Bà Hương rất tự hào về tính phóng khoáng, hiền lành của chồng. Bà nói, ông dễ tính lắm! Nhạc của ông, ca sĩ nào hát, có nhớ đến thì gửi chút đỉnh tiền tác quyền, còn không nhớ, ông cũng chẳng đi đòi. Lớp ca sĩ trẻ mới vào nghề, đến xin bài, ông thấy nghèo quá, cho luôn, không lấy tiền bạc gì.
Người ta gọi Thanh Sơn là ông vua boléro không chỉ bởi số lượng tác phẩm đồ sộ của ông mà còn bởi những ca khúc ấy, từ viết về tuổi học trò như: Nỗi Buồn Hoa Phượng, Ba Tháng Tạ Từ, Lưu Bút Ngày Xanh, Ve Sầu Mùa Phượng, Hạ Buồn…Đến những ca khúc trữ tình như: Nhật Ký Đời Tôi, Mùa Hoa Anh Đào, Đoản Xuân Ca… và những bài ca Nam Bộ như: Hành Trình Trên Đất Phù Sa, Gợi Nhớ Quê Hương, Hình Bóng Quê Nhà, Hương Tóc Mạ Non, Em Về Cấy Lúa Trổ Bông… đều rất đặc sắc. Nhạc của Thanh Sơn phổ biến tới mức, ở bất cứ đâu người ta cũng có thể cất lên tiếng ca, trong sân trường, một đêm mưa rả rích hay trên chuyến xe đò nhộn nhịp về miệt sông nước. Điểm nổi bật là nhạc của Thanh Sơn gần gụi, mộc mạc, dễ nghe, dễ nhớ và dễ đi vào lòng người. Sự ra đi của ông vào những ngày đầu tháng 4/2012 đã để lại nhiều tiếc nuối trong lòng người yêu nhạc của mọi thế hệ.
Thúy Vi sưu tập