NHẠC SĨ LAM PHƯƠNG QUA ĐỜI Ở TUỔI 83 TẠI THÀNH PHỐ FOUNTAIN VALLEY, CALIFORNIA.

Nhạc sĩ Lam Phương đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 6 giờ 7 phút tối ngày 22 tháng 12, 2020 tại thành phố Fountain Valley, California, sau một thời gian chữa trị bệnh tại biến mạch máu não. Nhiều năm trước khi mất, nhạc sĩ liệt nửa người, không thể nói chuyện được do biến chứng của bệnh.
Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20/3/1937 tại làng Vĩnh Thanh Vân, quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá, là con đầu trong gia đình năm người con. Năm 10 tuổi, gia đình ông gởi ông lên lên Sài Gòn học nhạc, may mắn được nhạc sĩ Hoàng Lang và Lê Thương chỉ dẫn.
Sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Lam Phương là bài Chiều Thu Ấy, sáng tác năm ông 15 tuổi. Năm 1959 ông kết hôn với diễn viên kịch Túy Hồng. Năm 1960 nhạc sĩ tiếp tục sáng tác các nhạc phẩm nổi tiếng như Chiều Thu Ấy, Kiếp Nghèo. Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông và gia đình lên tàu Trường Xuân để trốn thoát chế độ cộng sản. Ông cùng gia định tỵ nạn tại Hoa Kỳ.
Cũng như biết bao nhiêu người tỵ nạn mới định cư tại Hoa Kỳ trong những ngày đầu của 1975, nhạc sĩ Lam Phương làm đủ mọi nghề để ổn định cuộc sống gia đình và tạo lập một quán ăn với sân khấu để Túy Hồng có thể diễn kịch trở lại. Sau khi ly dị với kịch sử Túy Hồng, ông sang Pháp sinh sống cùng cô em gái. Trong khoảng thời gian này, ông sáng tác nhiều tác phẩm như Tình bơ vơ, Cho em quên tuổi ngọc, Lầm, Buồn, Say, Mơ, Hạnh phúc mang theo, Ngày tạm biệt, Bài tango cho em. Năm 1995, nhạc sĩ Lam Phương trở về lại Hoa kỳ.
Đầu năm 1999, ông bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người. Thời gian này, ông gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng nhận được vô vàn tình cảm. Cô em gái bỏ cả cửa hàng ăn bên Pháp bay sang Mỹ để chăm sóc cho nhạc sĩ. Những người hâm mộ nhạc sĩ còn đến tận nơi để giúp ông tự đi đứng. Những tình cảm đó giúp nhạc sĩ Lam Phương đã dần bình phục, dù không thể được như xưa.
Hôm nay ngày 22 tháng 12, 2020, nhạc sĩ Lam Phương đã ra đi để lại biết bao nhiên thương tiếc cho cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản nói riêng và cho nền văn học nghệ thuật trước năm 75 và tại hải ngoại nói chung.