Hơn 650,000 người Việt Nam được xuất cảng qua hàng chục quốc gia khác để lao động

VOV
Theo dữ kiện thống kê của cơ quan cai Quản Lao Động Ngoài Nước thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cộng sản Việt Nam (gọi tắt là MOLISA), có khoảng 650,000 người Việt Nam đã được xuất cảng lao động, và đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Vào năm 2019, cộng sản Việt Nam gửi đi hơn 152,000 lao động ra ngoại quốc, vượt hơn 27% so với kế hoạch của năm.
Nhật Bản là nước nhận nhiều lao động nhất với gần 83,000 người, tiếp theo là Đài Loan với hơn 54,000 người; Nam Hàn nhận hơn 7,200 công nhân Việt Nam, kế đến là Romania và Saudi Arabia. Ông Tống Hải Nam, trưởng cơ quan Quản lý Lao Động Ngoài Nước cho biết năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam gửi hơn 120,000 công nhân ra nước ngoài. Đến nay, 421 công ty đã đạt giấy phép cung cấp dịch vụ việc làm ở nước ngoài. Theo ông Nam, một số thị trường truyền thống vẫn có nhu cầu cao đối với lao động Việt Nam, bao gồm Nhật Bản, Đài Loan và Nam Hàn, cùng với những thị trường ở Âu Châu như Nga, Romania, Đức, Ba Lan, Latvia và Áo. Năm nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam dự kiến sẽ ký một thỏa thuận hợp tác với cơ quan việc làm của Đức, về việc tiếp nhận lao động lành nghề ở những khu vực mà Đức có nhu cầu nhân lực cao. Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết mặc dù Việt Nam đã vượt chỉ tiêu trong bốn năm qua, họ vẫn đặt mục tiêu chỉ cần đưa 130,000 lao động ra nước ngoài vào năm 2020, nhưng đến các thị trường hứa hẹn thu nhập cao và ổn định.
Ông Dung nói thêm thỏa thuận với Đức có thể mở ra cơ hội cho toàn bộ thị trường châu Âu. Đây là cách thức nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam giãm thiểu con số thất nghiệp trong nước để tránh những bất ổn xã hội và cùng lúc thu về nguồn ngoại tệ khổng lồ.
Mộc Miên