19/01/2018 | 13

Biến đổi khí hậu đang gây khủng hoảng di cư ở Nam Việt Nam

Biến đổi khí hậu đang gây khủng hoảng di cư ở Nam Việt Nam

(Ảnh: The Week)

Đồng bằng sông Cửu Long với 18 triệu dân là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước hiện tượng biến đổi khí hậu. Trong 10 năm qua, khoảng 1.7 triệu người đã di cư khỏi vùng này.

Một bài phân tích của hai nhà nghiên cứu Alex Chapman từ Đại Học Southampton, và Phạm Văn Đăng Trí từ Đại Học Cần Thơ trên tạp chí The Week hôm Thứ Năm 18/01 cho rằng, chính hiện tượng biến đổi khí hậu đã buộc nông dân Miền Nam Việt Nam rời khỏi đồng ruộng và kênh rạch của mình.

Các tác giả cho rằng khó giải thích việc di cư bằng những lý do cá nhân, vì mỗi trường hợp một khác. Nhưng họ viện dẫn một nghiên cứu của hai học giả Lê Thị Kim Oanh và Lê Minh Trương từ Đại Học Văn Lang, cho thấy biến đổi khí hậu là nhân tố nổi bật, khiến khoảng 14.5% người di cư quyết định rời khỏi đồng bằng sông Cửu Long. Nếu con số này là đúng, thì biến đổi khí hậu đang buộc khoảng 24,000 người rời khỏi vùng này mỗi năm.

Hai học giả Chapman và Trí cũng phát hiện chính sách đê diều của nhà cầm quyền Việt Nam cũng đang góp phần khiến cho đời sống trở nên khó khăn hơn đối với những người mà các chính sách này nhắm bảo vệ. Các tác giả chỉ ra thủ phạm là hàng ngàn cây số đê điều, nhiều đoạn cao tới 4 mét, chạy ngang chạy dọc khắp vùng châu thổ.

Theo hai tác giả, các con đê này được xây chủ yếu nhằm bảo vệ người dân và mùa màng trước nạn lụt, nhưng chính các con đê đã thay đổi nền tảng hệ sinh thái. Người nghèo và người không có đất nay không còn bắt được cá để ăn và để bán, trong khi hệ thống đê điều ngăn chặn chất dinh dưỡng tự nhiên theo nước lũ chảy vào đồng ruộng.

Huy Lam / SBTN